Shopping Cart
No products in the cart.

Hạnh cần kiệm quý báu

Hạnh cần kiệm quý báu

Một lần, Ngài Anan đến cung điện vua Udena dạy các bài học chân lý cho nhà vua, hoàng hậu và các triều thần. Ngài Anan luôn kề cận Đức Phật nên những lời thầy dạy Anan đều nhớ rất nhiều. Hôm ấy, ngài Anan giảng rất hay, uyển chuyển lưu loát như nước chảy con sông dài, câu từ đều rực rỡ trong sáng khiến người nghe cuốn hút và chìm đắm trong chánh pháp. 

Để cảm ơn Ngài Anan, các cung nữ đã dâng tặng ngài năm trăm tấm vải để ngài làm y phục, đó là những tấm vải đẹp nhất do vua ban. Vua Udena biết chuyện có phần bực mình nghĩ: “Tu hạnh xả ly mà lại nhận một lúc năm trăm tấm vải quý đẹp như thế rõ là tích lũy của cải tài sản hơn người bình thường rồi!

Được rồi, ngày mai, trước đám đông, ta sẽ lột mặt nạ ông ta!” Buổi lễ hôm sau diễn ra bình thường, nhà vua Udena có bực mình thầy Anan thật nhưng bài giảng quá lôi cuốn nên nhà vua vẫn im lặng lắng nghe. Một lúc sau, nhà vua Udena nhớ ra ý định của mình. Thế rồi, cuộc chất vấn bắt đầu:

– Thưa thầy! Ta nghe nói thầy đã nhận của cung nữ năm trăm tấm vải làm y phục, có đúng không?

– Là đúng sự thật, thưa nhà vua!

– Ta nghe nói, một vị tu sĩ học trò của Đức Phật chỉ được phép sử dụng ba y, không được hơn, có phải chăng?

– Quả đúng vậy, thưa đại vương!

– Vậy thì ta thật không hiểu là thầy sử dụng năm trăm tấm vải ấy như thế nào?

– Thưa, tất thảy tôi đều dâng hết lại cho những thầy tu sĩ có y cũ rách!

– Thầy dâng lại hết tất cả à? Đức vua lộ vẻ ngạc nhiên.

– Thưa vâng!

– Vì sao ngài không dành lại cho mình một tấm y nào trong số đó?

– Thưa, không cần thiết. Vì tấm y tôi đang dùng đều còn rất tốt!

Đức vua lặng người khi biết rằng mình đã nghi oan cho một bậc thầy có đức hạnh hơn người, nhưng do tò mò, ông giả vờ hỏi tiếp:

– Vậy thì năm trăm vị được thầy tặng lại y mới thì họ sẽ làm gì với y cũ?

– Thưa, họ sẽ tặng lại cho những vị có y cũ rách hơn nữa!

– Rồi thì những tấm y quá rách nát ấy, họ sử dụng vào việc gì?

– Thưa, họ làm tấm trải giường.

– Vậy sau khi trải giường?

– Thưa, họ lót trên sàn, trên nền tại các liêu cốc.

– Sau đó nữa?

– Thưa, họ làm giẻ chùi chân!

– Rồi sau khi không còn sử dụng được nữa?

– Không có vật gì là không còn sử dụng nữa. Miếng chùi chân ấy, các học trò sẽ xé nhỏ ra, quết cho nhuyễn với đất sét để trám vào các lỗ thủng, lỗ hư trên các vách tường.

Đức vua Udena nghe tới đây thì bàng hoàng, rung động, ông gập người xuống, quỳ bên chân thầy Anan, thốt lên: “Ôi! Tấm lòng biết trân trọng ấy thật quý giá làm sao”. Nhà vua lập tức sai người mang thêm năm trăm tấm vải quý đẹp nữa dâng tặng cho thầy Anan.

Nguyên nhân + Điều kiện Kết quả

Thói quen sống tiết kiệm giản dị dù bất cứ hoàn cảnh nào → Luôn đủ dùng, bình an

Trân trọng mọi vật quanh mình → Vật chất đủ đầy, thường được giúp đỡ

Bài học rút ra từ câu chuyện vĩ nhân Hạnh cần kiệm quý báu

Như con ong khẽ khàng tìm mật ở nhụy hoa nhưng không làm hại đến hoa. Người biết tôn trọng mọi thứ trên đời, sống cần kiệm, giản dị sẽ luôn an vui và thanh thản.

Câu hỏi tư duy:

  1. Điều gì khiến các tu sĩ luôn biết đủ khi nhận và sử dụng đồ dùng?
  2. Điều gì xảy ra khi chúng ta không có thói quen tái sử dụng các vật dụng của mình?
  3. Tính cách gì khiến người sử dụng đồ vật hoang phí?

Hãy Comment Phía Dưới Để Theogotvinhan.Com Biết Câu Trả Lời Của Ba Mẹ Và Bé Nhé!

Xem Thêm Nhiều Câu Chuyện Vĩ Nhân TẠI ĐÂY

Lưu lại bài viết
5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận